Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Tiếng Anh khá là… rắc rối!

“Học Báo Tiếng Anh”
(Bộ mới)

***

Một số người cho rằng tiếng Anh là… “một ngôn ngữ dễ học nhất” (an easiest language to learn). Lý do, theo họ, là vì tiếng Anh không phân biệt “giống đực” (male, masculinity) hay “giống cái” (female, femininity) nếu như so với tiếng Pháp…

Một số người lại phản đối: Nói vậy chứ không phải vậy đâu vì ngôn ngữ này hoàn toàn “không dễ để làm chủ” (it’s not easy to master). Thậm chí có người còn nói “tiếng Anh là một ngôn ngữ khùng điên” (English is a crazy language) hay nhẹ nhàng hơn, tiếng Anh khá là “kỳ quái” (bizarre)!


Theo trang mạng Baba-Mail, có người lại nói tiếng Anh thật “tức cười” (funny) nếu không muốn nói là “khùng điên” (crazy)! Này nhé, trong “eggplant” (cây cà, quả cà) làm gì có “trứng” (egg)! Cũng chẳng có “thịt heo sông khói” (ham) trong bánh “hamburger” (bánh mì tròn có nhân thịt bò xay)!

“English muffins” (bánh nướng xốp kiểu Anh) lại không có xuất xứ từ nước Anh cũng như “French fries” (khoai tây chiên theo kiểu Pháp) đâu phải từ nước Pháp! “Sweetmeats” (kẹo, bánh) không có “meat” (thịt) trong khi “sweetbreads” lại chính là thịt bê, thịt cừu… chẳng có gì liên quan đến kẹo bánh mà cũng chẳng có nghĩa là bánh mì (bread)!

Gọi là “sweetbreads” nhưng chẳng có miếng bánh mì nào!

Ô mai của Việt Nam cũng là một loại… “Sweetmeats”

Thế cho nên, có những từ tiếng Anh không thể nào đoán mò. Chẳng hạn như “boxing ring”: nếu cứ đoán mò từng chữ, ta có “boxing” là môn quyền Anh, còn “ring” là cái nhẫn đeo ở trên ngón tay. Nếu ghép cả 2 nghĩa trong tiếng Việt thì chẳng biết “boxing ring” nên gọi là cái gì đây?

Cũng bởi người học tiếng Anh làm sao biết ngoài cái nhẫn, “ring” còn có nghĩa là cái vòng cho nên “boxing ring” là võ đài. Nếu “ring” là cái vòng thì phải có hình tròn nhưng đằng này võ đài là một hình vuông! Thế cho nên nhiều người nói: “English is a crazy language”!

Tiếng Anh nói vậy nhưng không phải vậy! Lần đầu tiên gặp từ ngữ “guinea pig” bạn liên tưởng ngay đến Guinea mà trong tiếng Việt gọi là xứ Ghi Nê ở tận phía tây châu Phi, ngày xưa là thuộc địa của Pháp. “Guinea” lại còn được dùng để chỉ đồng tiền vàng được đúc ở bên Anh trong khoảng từ năm 1663 đến 1814. Còn “pig” thì dễ quá, con heo hay con lợn cũng thế. Như vậy ghép lại cũng hơi lạ: “guinea pig” là con heo bên Ghi Nê.

Đồng “Half Guinea” in hình Vua George III, đúc tại Anh, năm 1808

Bạn sẽ lầm to! “Guinea pig” chẳng liên quan gì đến tiền tệ hay địa lý thế giới, còn “pig” trong trường hợp này cũng chẳng phải là con lợn mà thực ra lại là… con chuột. Trong y học người ta hay nói đến giống “chuột lang” được nuôi trong phòng thí nghiệm để sẵn sàng đi tiên phong thay con người làm thí nghiệm!  

“Chuột lang” còn được gọi là con bọ ở miền Nam, thuộc bộ Gặm nhấm. Mặc dù trong tiếng Anh chúng có tên thông thường là "guinea pig" nhưng chúng không thuộc họ Lợn và cũng không có nguồn gốc từ Ghi Nê, Tây Phi, mà chúng đến từ dãy núi Andes ở tận châu Mỹ.

Tên của con vật này mang ý nghĩa lợn trong nhiều ngôn ngữ châu Âu. Ngườ Đức gọi chúng là “Meerschweinchen”, nghĩa là "lợn con biển", tiếng Pháp là “Cochon d'Inde” (lợn Ấn Độ) hoặc “cobaye”. Người Trung Quốc gọi chúng là “lợn Hòa Lan” (兰猪). Tựu chung, đa số các ngôn ngữ dành cho “chuột lang” có nguồn gốc từ tiếng Anh “guinea pig”.

“Guinea pig” không phải là heo mà là… “chuột lang”

Người ta lại bảo “English language is funny”! Chẳng hạn như khi nghe nói “There is a slim chance that I will arrive on Monday”  người nghe hiểu là chuyện đến vào ngày Thứ Hai rất khó xảy ra vì đó là “slim chance” với ý “slim” trong tiếng Anh là mong manh, mảnh khảnh, gầy còm…

Ngược lại với “slim”“fat”. Tiếng Anh có thành ngữ (idiom) “a fat chance”, hiểu theo tiếng lóng là sự đen đủi, sự không may, trong đó có “fat” với hàm ý béo tốt… Hóa ra “slim” hay “fat” cũng cùng một ý khi đi với chữ “chance” dù hai từ này có nghĩa trái ngược hẳn với nhau!

Có gì khác biệt giữa “wise man”“wise guy”“man”“guy” đều ám chỉ người? “Wise man” đơn giản là người thông minh, thông thái, uyên thâm. “Thánh kinh” (Bible) kể chuyện khi Chúa sinh ra đời có “3 nhà thông thái” (three wise men) mang quà đến mừng hài nhi. Ngày nay, trên “thiệp Giáng sinh” (Chirsitmas card) chúng ta vẫn thấy cảnh thăm viếng này.

Chúa hài đồng và “wise men”

Khác với “wise man”,  “wise guy” (hay “wiseguy” viết liền nhau) lại là thuật ngữ chỉ băng đảng “xã hội đen” Mafia mà văn chương-nghệ thuật Anh tốn không biết bao nhiêu giấy mực về loại người này. Năm 1986, Nicholas Pileggi viết cuốn tiểu thuyết “Wiseguy” và sau đó được dựng thành phim “Goodfellas”. “Wise Guys” cũng là tên của 2 cuốn phim do Claude Chabrol đạo diễn năm 1961 và Brian de Palma  năm 1986.  

Tóm lại, “wise man” là một từ dùng cho lời khen tặng, trong khi “wise guy” lại dùng với ý mỉa mai cho lời chê bai. Tiếng Anh “tức cười” là vậy.


***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Online

Since 17/01/2016

Now online

Flag Counter
Since 20/12/2015

Popular posts