Thứ Năm, 12 tháng 1, 2017

Bài diễn văn từ biệt của Tổng thống Obama

#HocBaoTiengAnh (Bài số 11)

HỌC BÁO TIẾNG ANH
(Bộ Mới)

***

Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, Barrack Obama, đã có bài “diễn văn từ biệt” (farewell address) ngày 10/01/2017 tại Chicago, Illinois, trước khi bàn giao chức vụ cho cho “Tổng thống đắc cử” (President elect), Donald Trump, vào ngày 20/01/2017.

Chân dung Tổng thống Obama, chụp tại Phòng Bầu Dục (Oval Office) ngày 06/12/2012

Sau những lời mở đầu cám ơn xã giao, “bài diễn văn cuối cùng” (final speech) của ông Obama đến người dân khiến “cử tọa” (audience) tại thành phố Chicago “vỗ tay” (applause) khi ông tâm sự “Thật vui mừng khi được về nhà” (It’s good to be home).

Chicago là nơi ông đến lần đầu tiên vào “những năm đầu của tuổi 20” (early twenties). Cũng tại đây, ông được bầu vào “Thượng viện” (Senate) năm 2004. Ông cũng là “người Mỹ gốc Phi” (African American) đầu tiên được bầu vào “Tòa Bạch Ốc” (The White House) từ năm 2008 và nhậm chức vào đầu năm 2009.

Một lần nữa, nghệ thuật “nói trước công chúng” (public speaking) của ông Obama đã khiến người nghe cảm thấy gần gũi và cười ồ khi ông nói đùa: “Quý vị có thể nói tôi là một con vịt què vì không ai tuân theo những chỉ dẫn” (You can tell that I’m a lame duck, because nobody is following instructions). “A lame duck cabinet” là một thành ngữ trong tiếng Anh ám chỉ một nội các trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, được mô tả như… một con vịt què!

“Óc khôi hài” (sense of humor) còn được thể hiện khi “đám đông đồng thanh” (crowd chant) yêu cầu ông “Thêm 4 năm nữa” (Four more years), Obama cười và trả lời một cách dí dỏm: “I can’t do that” (Tôi không thể làm như vậy được). Theo luật Hoa Kỳ, Tổng thống chỉ có thể giữ chức vụ này trong 2 “nhiệm kỳ” (term).

Ông còn nói thêm, “sự thay đổi chỉ có thể xảy ra khi những người bình thường có liên quan đến và họ can dự vào và họ cùng nhau đòi hỏi điều đó” (change only happens when ordinary people get involved, and they get engaged, and they come together to demand it).

Diễn văn từ biệt của Tổng thống Obama

Theo ông, lịch sử 240 năm của Hoa Kỳ luôn kêu gọi mọi công dân đóng góp “hành động” (work) và “mục tiêu” (purpose) cho từng “thế hệ” (generation). Điều đó hướng “những người yêu nước” (patriots) đến việc lựa chọn “nền cộng hòa” (republic) thay vì “độc tài” (tyranny), “những người tiên phong” (pioneers) tiến về miền Tây, “những nô lệ” (slaves) được hưởng “sự tự do” (freedom).

Ông nói tiếp, đều đó cũng khiến cho “những người nhập cư” (immigrants) và “tỵ nạn” (refugees) vượt “đại dương” (ocean) hay sông Rio Grande. Nó cũng giúp phụ nữ cầm được “lá phiếu” (ballot) và “những công nhân” (workers) được tổ chức thành “các đoàn thể” (organizations).

Obama khẳng định: “Tiến trình của dân chủ lúc nào cũng khó khăn” (the work of democracy has always been hard) và “gây nhiều tranh cãi” (contentious). Đôi khi còn “đổ máu” (bloody) nhưng nước Mỹ luôn tiến về phía trước…. Nước Mỹ là nơi tốt hơn, vững mạnh hơn so với thời lập quốc. 

Ông Obama với tài hùng biện trên diễn đàn

Bàn về “Dân chủ” ông cho rằng tiến trình không nhất thiết đòi hỏi “sự đồng nhất” (uniformity). Bằng chứng là xưa kia “những người lập quốc” (founders) Hoa Kỳ đã thường “tranh luận” (argue), “tranh cãi” (quarrel) nhưng cuối cùng cũng đi đến “hòa giải” (compromise).

Dù sao đi nữa, nền dân chủ luôn đòi hỏi điều cơ bản là “tinh thần đoàn kết” (sense of solidarity). “Dù những khác biệt bên ngoài, chúng ta vẫn chỉ là một, chúng ta vươn lên hay nằm xuống vẫn chỉ là một” (For all our outward differences, we’re all in this together, that we rise or fall as one).

Ông Obama cũng nhắc đến đích danh nước Nga và Trung quốc và nói “tầm ảnh hưởng trên thế giới” (influence around the world) của họ không thể nào sánh bằng Hoa Kỳ trừ khi chúng ta từ bỏ những điều đang tranh đấu và biến nước Mỹ thành một nước lớn đi “bắt nạt” (bully) những nước láng giềng nhỏ.

Theo ông, “nền dân chủ sẽ bị đe dọa bất cứ khi nào chúng ta xem đó là điều hiển nhiên” (our democracy is threatened whenever we take it for granted). Trong tiếng Anh có thành ngữ “take for granted” để diễn tả tâm lý xem thường, không biết quý trọng hay mặc định đó là điều hiển nhiên. 

Về chính quyền, ông Obama nhận định: “Nếu bạn thất vọng về những viên chức đã được bầu, hãy cầm biểu ngữ, hãy thu thập chữ ký và chính mình ra ứng cử” (If you’re disappointed by your elected officials, grab a clip board, get some signatures, and run for office yourself).

Obama cũng khẳng định “một cuộc chuyển giao quyền lực êm thắm” (peaceful transfer of power) cho Tổng thống tân cử Donald Trump. Guồng máy chính quyền của ông sẽ bảo đảm thực hiện việc chuyển giao một cách êm đẹp nhất cũng tương tự như Tổng thống Bush đã làm với ông (I committed to President-Elect Trump that my administration would ensure the smoothest possible transition, just as President Bush did for me). Đó cũng là “dấu ấn” (hallmark) của nền dân chủ Mỹ.

Gia đình Tổng thống Obama từ biệt cử tọa

Phần cuối của bài diễn văn từ biệt dành cho “những lời tri ân” (acknowledgements) đến những người thân và “những cộng sự” (colleagues). Về phu nhân Michelle Obama, ông ca tụng “trong 25 năm qua, em không chỉ là vợ và mẹ của các con mà còn là người bạn tốt nhất của tôi” (for the past 25 years you have not only been my wife and mother of my children, you have been my best friend).

Ông còn nói thêm với bà, “Em nắm giữ một vai trò mà em không hề đòi hỏi. Và em thực hiện điều ấy với sự duyên dáng, can đảm, phong cách và sự hài hước của riêng em” (You took on a role you didn’t ask for. And you made it your own with grace and with grit and with style, and good humor).

“… Em đã biến Tòa Bạch Ốc thành một nơi của tất cả mọi người” (You made the White House a place that belongs to everybody), ông kết luận: “Em đã làm anh hãnh diện và làm cả nước hãnh diện” (You have made me proud, and you have made the country proud).

Về Phó Tổng thống Joe Biden: “Ông là quyết định đầu tiên của tôi trong số những người được đề cử và đó cũng là người giỏi nhất” (You were the first decision I made as a nominee, and it was the best)… “Không phải chỉ vì ông là Phó tổng thống vĩ đại” (Not just because you have been a great vice president)  mà còn vì “tôi đã có được một người anh em” (I gained a brother).

Ôm hôn thắm thiết giữa ông Barrack Obama và Joe Biden

Theo thông lệ, các Tổng thống của Hoa Kỳ luôn có bài diễn văn từ biệt dân chúng. Cựu Tổng thống George W Bush và Bill Clinton đã chọn nơi từ biệt là Tòa Bạch Ốc trong khi George Bush “cha” lại phát biểu tại Học viện Quân sự West Point.

Riêng ông Obama chọn McCommick Place, Trung tâm Hội nghị lớn nhất Bắc Mỹ, tại quê nhà Chicago. Sự kiện hơn 20.000 người đã đến nghe bài diễn văn từ biệt của Tổng thống Obama là bằng chứng hùng hồn cho sự thành công, dù cũng còn nhiều hạn chế, sau 8 năm giữ chức vụ Tổng thống Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ.

Tạm biệt Tổng thống Barrack Obama, một gương mặt quen thuộc trong lòng người Việt Nam, cả ở trong nước lẫn hải ngoại.

Tạm biệt Tổng thống Barrack Obama

***

--> Read more..

Online

Since 17/01/2016

Now online

Flag Counter
Since 20/12/2015

Popular posts