Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2018

Tiếng Anh thật buồn cười!

Một số người học tiếng Anh cho rằng ngôn ngữ này tương đối đơn giản. Chẳng hạn như chỉ cần dùng 2 “đại danh từ” (pronoun) “you”“I” trong một cuộc nói chuyện, bất kể địa vị xã hội, trật tự gia đình… trong khi đó, dùng tiếng Việt người ta phải chọn rất nhiều từ ngữ cho thích hợp như ông, ngài, em, anh, mày…tôi, tao, con, cháu…

Tiếng Anh cũng hoàn toàn không có khái niệm về “giống” (gender). Cái bàn, cái ghế chỉ cần “mạo từ” (article) “the” đi trước “danh từ” (noun) chứ không rắc rối như tiếng Pháp chẳng hạn như “la table” (cái bàn, giống cái – female)  “le banc” (cái ghế, giống đực – male)!

Ấy thế mà khi đọc báo, đọc sách cũng như khi nghe người Anh-Mỹ-Úc nói chuyện, người học tiếng Anh có nhiều lúc lại cảm thấy khó hiểu. Người sử dụng tiếng Anh “như một ngôn ngữ thứ 2” đôi lúc cảm thấy hoang mang vì chữ và nghĩa thấy vậy… nhưng không phải vậy!

Đọc tin chiến sự về cuộc chiến Iraq trên báo bạn có thể bắt gặp một câu đơn giản nhưng khiến ta phải khựng lại: The soldier decided to desert his dessert in the desert”. Quá nhiều từ ngữ đọc lên nghe na ná giống nhau nhưng lại hoàn toàn khác nghĩa.

“Desert” nếu dùng như một động từ (với nghĩa là từ bỏ) phài đọc là /di'zơrt/ nhưng nếu là  sa mạc phải đọc là /’dezớrt/. Trong khi “dessert” (hai chữ s) là bữa tráng miệng, lại đọc giống như động từ “desert”! Như vậy câu thí dụ trên có thể hiểu là “Người lính quyết định bỏ bữa tráng miệng trên sa mạc”. Trong trường hợp này, có ai dám nói tiếng Anh thật đơn giản?

 "The soldier in the desert"

Đi lính sợ nhất là khi “bị thương” (to be wounded), lúc đó phải lấy “băng” (bandage) “quấn quanh” (wind around) “vết thương” (the wound). Để diễn tả chuyện đó, ta có thể nghe “người bản xứ” (native) nói:  “The bandage was wound around the wound”.

“Wound” (vết thương) là danh từđược đọc là /wund/, trong khi danh từ và động từ “wind” lại đọc là /wind/. Cần nhớ, “wind”“động từ bất quy tắc” (irregular verb) với 3 dạng: ở hiện tại phát âm là /wind/ nhưng ở quá khứ và “quá khứ phân từ” (past participle) lại đổi thành /waund/.

Cũng phải nói thêm về “wind” (gió). Lái “thuyền buồm” (sail boat) phải cần đến sức gió, nhưng nếu gió mạnh quá rất khó có thể “wind the sail”. Thế cho nên có người nói: “The wind was too strong to wind the sail”.

Bạn hiểu thế nào khi đọc thông báo của hãng bảo hiểm: “The insurance was invalid for the invalid”?

Trong câu này có đến 2 chữ “invalid”. Chữ đầu tiên là một “tĩnh từ” (adjective), có nghĩa là “không hiệu lực” và chữ “invalid” thứ hai lại là một “danh từ” (noun) chỉ người tàn tật. Thế cho nên, chế độ bảo hiểm sẽ không có hiệu lực đối với những người không được bình thường!

Bạn nghĩ sao khi gặp một câu nói về một bãi đổ rác: “The dump was so full that it had to refuse more refuse”.

Trong câu này chữ “refuse” thứ nhất là một động từ (có nghĩa là từ chối) nhưng “refuse” lập lại lần thứ hai lại là một danh từ (với ý là chất thải, hay nói chung là rác rến). Cũng vì thế, bãi rác đã đầy nên không thể nhận thêm rác nữa!

“The dump was so full that it had to refuse more refuse”

Có thể khi đọc truyện, bạn bắt gặp câu: “Since there is no time like the present, he thought it was time to present the present”. Trong câu này, từ ngữ “present” được dùng tới 3 lần: thứ nhất, “the present” tức là hiện tại; thứ nhì, “to present” là một động tác với ý là đưa ra; và, thứ ba, “the present” lại còn chỉ món quà.

Ý nghĩa của “present” không những khác hẳn nhau mà còn được “phát âm” (pronounce) hoàn toàn khác. “Present” nếu là một danh từ hay tĩnh từ sẽ được đọc là /’prezânt/ (nhấn ở vần đầu) còn nếu là một động từ lại nhấn ở vần sau: /pri’zent/. Câu chuyện viết ở trên phải được hiểu là: “Không có lúc nào như lúc này, anh ấy nghĩ đây là lúc đưa ra món quà tặng”.  

“Close” có thể là một tĩnh từ (có nghĩa là gần gũi, thân cận..) nhưng nếu dùng như một động từ lại có nghĩa là đóng hay khép lại. Một thí dụ trong dễ hiểu nhất là một câu đơn giản: “They were too close to the door to close it” (Họ ở quá gần cửa để đóng).

Tương tự ta có “tear” là nước mắt (phát âm là /tia/) nhưng nếu dùng như một động từ có nghĩa là xé rách, làm rách, vết rách lại đọc là /te/. Đây cũng là một động từ bất quy tắc có 3 dạng: “tear” /te/, “tore” /tor/ và “torn” /ton/. Thế cho nên mới có chuyện thấy bức tranh bị rách khiến người ta chảy nước mắt: “Upon seeing the tear in the painting I shed a tear”.

“Produce” là sản suất, làm ra nhưng “produce” dùng như một danh từ lại có nghĩa là hoa quả. Nếu biết được điều đó ta sẽ hiểu câu “The farm was used to produce produce”.

  
Để kết thúc bài viết này, xin đố các bạn một câu, đây là một câu đố vui, đố mẹo… mà người Mỹ gọi là “riddle” (Chúng tôi sẽ trở lại với đề tài “riddle” trong một dịp khác). Cần đọc câu hỏi một cách cẩn thận nhé:


Khi đọc câu đố này, dĩ nhiên chữ “T” phải đọc là /ti/ vì đó là “mẫu tự” (alphabet). Oái ăm nằm ở chỗ khi đọc /ti/ lại trùng với chữ “tea” (trà, nước trà) mà ta hay uống. Vậy thì, cái mà người đố mẹo muốn hỏi cái gì bắt đầu bằng “T”, chấm dứt bằng “T” và trong đó có “T” phải là… “teapot” (bình đựng nước trà).

Không tin, các bạn nhìn lại một lần nữa, chữ “teapot” bắt đầu bằng “T”, chấm dứt bằng “T” còn điều mà có chứa /ti/ phải hiểu là “tea” chứ không là chữ “T”. Câu đố này, một lần nữa, chứng minh: “phát âm” (pronunciation) là một chuyện… còn “ý nghĩa” (meaning) lại là một chuyện khác.

Giờ thì các bạn chắc cũng phải đồng ý với tôi: “Tiếng Anh thật buồn cười!”  

***

* PS: Để dễ hiểu, chúng tôi phiên âm theo tiếng Việt chứ không dùng “ký hiệu phiên âm quốc tế” (international phonetic symbols).

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

:) :( :)) :(( =))

Online

Since 17/01/2016

Now online

Flag Counter
Since 20/12/2015

Popular posts